VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUỐC ĐỊNH

Địa chỉ: R104, đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Một số điểm mới của Luật doanh nghiệp năm 2014

Luật doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 thay thế Luật doanh nghiệp năm 2005, gồm: 10 chương, 213 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Luật doanh nghiệp 2014 đã có nhiều thay đổi quan trọng nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Sau đây xin điểm một số nội dung thay đổi có tác động tích cực đến hoạt động và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

1. Quyền kinh doanh

Theo Luật doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp được quyền tự do đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sẽ được ghi nhận đầy đủ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã đăng ký ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu muốn mở rộng kinh doanh ngoài ngành, nghề đã đăng ký, doanh nghiệp phải đăng ký bổ sung, sau đó mới được tiến hành kinh doanh ngành, nghề bổ sung. Như vậy, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã bị thu hẹp so với quy định của Hiến pháp, có nghĩa doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề đã đăng ký, nếu doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì hoạt động kinh doanh đó bị coi là bất hợp pháp. Do đó, doanh nghiệp thường có xu hướng đăng ký dự phòng hàng chục, hàng trăm ngành nghề khác nhau khi thành lập nhưng thực tế chỉ kinh doanh một hoặc một số ngành nghề. Thực tế này đã làm sai lệch về số liệu thống kê, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách.


Luật doanh nghiệp 2014 đã có thay đổi cơ bản về quyền kinh doanh theo hướng hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, đó là: doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm (Điều 7). Bãi bỏ quy định hạn chế doanh nghiệp chỉ được “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” (Điều 9 Luật doanh nghiệp 2005). Đồng thời bãi bỏ quy định về ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nói cách khác, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp sau ngày 01/7/2015 sẽ không ghi thông tin về ngành kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ ghi 4 nội dung chính là: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Thay đổi này của Luật doanh nghiệp 2014 đã  khắc phục được bất cập nêu trên của Luật doanh nghiệp 2005. Theo Luật doanh nghiệp 2014, ngành nghề kinh doanh được chia làm 3 loại cơ bản:
          + Ngành nghề cấm kinh doanh;
          + Ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
          + Ngành nghề tự do kinh doanh;

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thực hiện kinh doanh theo nguyên tắc: không được kinh doanh ngành nghề cấm kinh doanh (Quốc hội quy định 6 ngành nghề); doanh nghiệp được tự chủ và chủ động tiến hành kinh doanh ngành nghề có điều kiện ngay khi đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh và duy trì đủ điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh; doanh nghiệp được “tự do” kinh doanh ngành nghề còn lại. Với những thay đổi trên, doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý; tăng tính chủ động, sáng tạo và nhanh nhậy cho doanh nghiệp trong kinh doanh, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng hết tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.

2. Đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, Luật Doanh nghiệp đã có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính có liên quan, đó là:

- Khoản 2 Điều 27 và khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được rút ngắn từ 5 ngày làm việc (theo luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

- Thay đổi phương thức quản lý đối với dấu của doanh nghiệp. Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định và yêu cầu sử dụng trong mọi giao dịch. Theo luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng, nội dung con dấu của doanh nghiệp không phải xin phép cơ quan nhà nước nào (Điều 44) và chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự quyết định sử dụng hoặc không sử dụng con dấu trong các giao dịch dân sự với nhau.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Khác với luật Doanh nghiệp 2005, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty TNHH và công ty cổ phần có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật.

Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty, ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là quy định hoàn toàn mới mẻ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật, đồng thời, gỡ rối cho doanh nghiệp trong các trường hợp: người đại diện duy nhất không hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp lạm dụng quyền hạn thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phát sinh mối quan hệ tranh chấp giữa doanh nghiệp với người đại diện đứng ra giao dịch.

4. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông công ty

Theo quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014, điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 51%. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành theo đúng kế hoạch của doanh nghiệp, tránh tình trạng phải triệu tập lần thứ 2, lần thứ 3 do không đủ điều kiện.

5. Hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 194, 195 Luật Doanh nghiệp 2014, các công ty có thể hợp nhất, sáp nhập vào nhau để tạo thành một công ty mới mà không bắt buộc phải là “công ty cùng loại” như quy định tại luật cũ. Quy định này là sự đổi mới quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp đang hết sức sôi động hiện nay.

Nguồn: vienkiemsathanam.gov.vn
Share on Google Plus

About Dinh Ly

Bài viết trên trang luatquocdinh.com, thuộc bản quyền của "Văn phòng Luật sư Quốc Định". Nếu sao chép đề nghị trích dẫn nguồn rõ ràng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét