Vợ chồng tôi nhận một cháu bé làm con nuôi. Chúng tôi muốn cho cháu một căn nhà, nhưng không hiểu năm nay cháu mới 16 tuổi thì có quyền sở hữu nhà đất hay không? Nói cách khác, cháu có được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà hay không?
Thạc sĩ/Luật sư Mai Long Định _ Trường văn phòng Luật sư Quốc Định |
Trả lời:
Theo Điều 20 Luật Trẻ em năm 2016, “trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật”.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Điều 17 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân như sau:
“1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.
2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.
3. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó”.
Thêm nữa, theo khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai năm 2013, “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước”.
Căn cứ các quy định nêu trên, con nuôi bạn có quyền sở hữu bất động sản và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, để cháu có quyền sở hữu đối với căn nhà mà vợ chồng bạn tặng cho, giữa hai bên phải xác lập và thực hiện giao dịch cho tặng bất động sản. Cháu không thể tự mình thực hiện giao dịch này, mà phải thông qua người đại diện. Bởi lẽ, theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật này, “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 của Bộ luật này. Đó là:
“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Về nguyên tắc, với tư cách cha, mẹ nuôi, các bạn là người đại diện theo pháp luật của cháu. Song, vợ chồng bạn không thể tham gia giao dịch cho tặng cháu căn nhà cùng lúc là bên tặng cho và đồng thời là đại diện của bên được tặng cho. Bởi vì, khoản 3 Điều 141 Bộ luật này quy định: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Nhà đất là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Cho nên, Hợp đồng tặng cho tài sản này chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét